Trang Thông tin điện tử

xã Tân Thành - Huyện Kim Sơn

Thứ hai, 23/12/2024

Không để phụ thuộc vào công cụ số

Thứ ba, 04/06/2024

Trí tuệ nhân tạo (AI) hứa hẹn góp phần tạo ra những bước tiến không ngừng trong giáo dục - đào tạo. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định con người vẫn giữ vai trò then chốt trong việc định hướng, giám sát để công nghệ phục vụ giáo dục - đào tạo tốt nhất.

Hỗ trợ cả người dạy và người học

Theo TS. Đinh Tuấn Long, Trưởng khoa Công nghệ thông tin (Trường Đại học Mở Hà Nội), hiện nay, có thể dễ dàng thấy được sự có mặt của AI trong các hoạt động hỗ trợ giáo viên chuẩn bị bài giảng, nâng cao kỹ năng. Cụ thể, các công cụ dựa trên AI như Socrative, Kahoot, Quizlet giúp đơn giản hóa quy trình tạo câu hỏi, bài trắc nghiệm theo từng chủ đề. Với sự trợ giúp của chatbot, giáo viên có thể dễ dàng thiết kế các bài kiểm tra trắc nghiệm hoặc tự luận trực tuyến phù hợp với mục tiêu bài học.

Học sinh Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì (TP Hồ Chí Minh) trải nghiệm học tiếng Anh với robot.

Học sinh Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì (TP Hồ Chí Minh) trải nghiệm học tiếng Anh với robot. Nguồn: ITN

Các công cụ như Canva, Genially, Prezi... áp dụng thuật toán AI để hỗ trợ đề xuất thiết kế, nội dung cho slide bài giảng một cách nhanh chóng và bắt mắt. Nhờ đó, thời gian chuẩn bị bài của giáo viên được rút ngắn đáng kể. Cùng với đó, giáo viên có thể học hỏi, nâng cao kỹ năng sư phạm thông qua các ứng dụng mô phỏng như AI Co-teacher, ShapeRobotics. Hệ thống AI sẽ đóng vai trò như một trợ giảng ảo, ra các câu hỏi, tình huống giúp giáo viên rèn luyện kỹ năng ứng biến, sửa sai, phương pháp truyền đạt.

Còn đối với học viên, các chatbot AI được tích hợp trong các hệ thống quản lý học tập như Canvas, Edmodo đóng vai trò là người cố vấn ảo. Chúng có thể gợi ý, nhắc nhở về lịch trình học, thời hạn nộp bài cũng như tư vấn về khóa học cho từng cá nhân... Hay công nghệ phân tích học tập trên các hệ thống đào tạo trực tuyến (LMS) và Machine learning (công nghệ máy học) cho phép các hệ thống AI như Metacog, Knewton theo dõi sát sao quá trình tiếp thu kiến thức và rèn luyện kỹ năng của học viên. Dựa trên đó, hệ thống sẽ đề ra lộ trình đào tạo phù hợp cho từng đối tượng người học. Ngoài ra, AI còn phân tích bài làm của học viên để đánh giá sâu về mức độ hiểu bài của từng cá nhân học viên. Qua đó, giáo viên có thể nắm bắt khó khăn và đề ra phương pháp ôn tập đạt kết quả cao nhất cho học viên.

Có thể thấy các ứng dụng của AI đang dần thay đổi căn bản cách thức đào tạo. TS. Đinh Tuấn Long dự báo, sau giai đoạn 1 (2025 - 2030) AI hỗ trợ và nâng cao trải nghiệm học tập, đến giai đoạn 2 (2030 - 2040), AI sẽ đảm nhận một số vai trò của giáo viên và đến giai đoạn 3 (sau 2040), mô hình giáo dục sẽ hoàn toàn tự động. Hệ thống AI sẽ đảm nhiệm gần như toàn bộ các công việc liên quan tới quá trình đào tạo, từ thiết kế chương trình, nội dung, đánh giá cho tới phân tích và cải tiến liên tục.

Trang bị kỹ năng trong môi trường số

Ngày 16.1.2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số127/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030. Điều này thể hiện rõ quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đón nhận và ứng dụng các thành tựu của kỷ nguyên công nghệ số, đặc biệt là AI. Tuy nhiên, cụ thể việc nghiên cứu, ứng dụng AI trong đào tạo nhằm cá nhân hóa và nâng cao hiệu quả học tập vẫn để ngỏ cho các cơ sở đào tạo.

Nhận định việc ứng dụng AI trong giáo dục - đào tạo ở Việt Nam vẫn ở giai đoạn đầu, ThS. Kim Mạnh Tuấn, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, vai trò của các nhà lãnh đạo và quản lý giáo dục càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Họ phải vượt qua những thách thức về nguồn lực hạn hẹp, hạn chế cơ sở hạ tầng và nhu cầu thay đổi nhận thức để chấp nhận các công nghệ mới nổi. Theo ông Tuấn, bằng cách thúc đẩy nâng cao kiến thức về AI, các nhà lãnh đạo và quản lý giáo dục có thể trao quyền cho đội ngũ giảng viên khai thác sức mạnh của AI, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng học tập và chuẩn bị cho thế hệ tương lai trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng.

Sự bùng nổ của những ứng dụng AI mang đến cho giáo dục cả cơ hội lẫn thách thức đáng kể… Vì vậy, để phát huy hiệu quả ứng dụng AI, các bên liên quan cũng cần xác định vai trò và trách nhiệm của con người cũng như cách thức tương tác, kết hợp hài hòa giữa yếu tố con người và máy móc.

ThS. Nguyễn Thị Phong Lê, Khoa Sư phạm (Trường Đại học Khánh Hòa) cho rằng, với sự hỗ trợ của công nghệ số và AI, việc học tập và lao động của con người có thể đạt được hiệu quả cao hơn. Đây được xem là điểm tích cực khi tiếp nhận sự tồn tại của công nghệ số. Tuy nhiên, nếu con người phụ thuộc hoàn toàn vào các công cụ số và AI sẽ dẫn đến sự suy giảm trí tuệ, khả năng tương tác với các cá nhân khác trong cộng đồng người học và làm việc. "Vì thế, khi đối diện với công cụ học tập số, người học bắt buộc phải nỗ lực và kiểm soát ý chí của bản thân, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào công cụ số, đánh mất năng lực tiếp nhận và phán đoán chủ động của bản thân".

Theo ThS. Nguyễn Thị Phong Lê, người học phải trang bị những kỹ năng để trở thành người học văn minh, tự chủ và lí trí. Khi thực hiện những vấn đề liên quan đến công nghệ số, phải kết hợp nhuần nhuyễn tư duy phản biện và kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề cũng như khả năng nhận biết rủi ro (như tin giả, bẫy lừa đảo...).

Minh Vân

Theo https://daibieunhandan.vn/

Xem thêm
Dữ liệu đang được cập nhật
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 61252

Trực tuyến: 16

Hôm nay: 30