Trang Thông tin điện tử

xã Tân Thành - Huyện Kim Sơn

Thứ hai, 23/12/2024

"Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số giáo dục, tạo cơ hội học tập bình đẳng"

Thứ ba, 04/06/2024

Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo quốc gia "Chuyển đổi số trong giáo dục mở thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập". Hội thảo do Trường Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Mở TP.Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức chiều 13/5.

 

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Chuyển đổi số trong giáo dục đã đang diễn ra mạnh mẽ, với mục tiêu tăng cường áp dụng tiến bộ của công nghệ trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục, tăng cường hiệu quả quản lý giáo dục và xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số.

Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với 150 điểm cầu trực tuyến

Để đạt được các mục tiêu đó, có sự vào cuộc của nhiều bên liên quan. Các cơ sở giáo dục đã chủ động, tích cực ứng dụng công nghệ số trong tổ chức các hoạt động quản lý, tổ chức đào tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Các cấp quản lý có sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, chỉ đạo quyết liệt, triển khai có hệ thống về việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số giáo dục đào tạo trong tổng thể Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Cùng với đó, không thể thiếu sự ủng hộ, tham gia của mỗi người học, mỗi nhà giáo và toàn xã hội, bởi, lợi ích mang lại cho người học, đội ngũ nhà giáo và người dân là thước đo chủ yếu đánh giá mức độ thành công của công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo.

Theo Bộ trưởng, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

 

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội thảo

Điều này đòi hỏi triển khai hiệu quả hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện đa dạng hóa phương thức đào tạo dựa theo mô hình giáo dục mở; phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số tiến tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số một cách phù hợp, thực chất và hiệu quả.

“Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đòi hỏi người lao động phải có năng lực số. Nhà trường chính là nơi đào tạo, bồi dưỡng và phát triển năng lực thiết yếu đó. Và mọi công dân có trách nhiệm và quyền lợi được học tập thường xuyên, học suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu. Điều này đặt ra yêu cầu đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục thường xuyên và các thiết chế văn hóa khác”, Bộ trưởng nói.

Mặc dù có nhiều nỗ lực trong thời gian qua và công tác chuyển đổi số của ngành Giáo dục đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng Bộ trưởng nhìn nhận vẫn còn nhiều thách thức. Trong đó còn những vấn đề cần được nhìn nhận một cách thấu đáo, cần đánh giá đúng hiện trạng, cùng nhau kiến nghị, đề xuất các giải pháp để công cuộc này thực sự đem lại kết quả thiết thực, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, cung cấp nhân lực với đầy đủ năng lực, kỹ năng, thái độ - đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số, xã hội số.

Đại biểu dự hội thảo

Theo Bộ trưởng, các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn, tiêu chí thế nào thì được công nhận là đại học thông minh, đại học số; cơ chế phối hợp xây dựng, tích hợp, đảm bảo chất lượng, chia sẻ, khai thác nguồn tài nguyên giáo dục mở, học liệu mở, các khoá học trực tuyến đại chúng mở của các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; chính sách ghi nhận, công nhận kết quả tự học từ các nền tảng số và truyền thông... cần được làm sáng tỏ trong thời gian sắp tới.

“Một lần nữa cần khẳng định lại rằng, để có thể thành công trong công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo, cùng với sự quyết liệt của các cơ quan trung ương, cần có sự tham gia tích cực của các cơ sở giáo dục, đào tạo ở các cấp bậc, của các thiết chế văn hoá từ trung ương đến địa phương, của cộng đồng xã hội và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo “Chuyển đổi số trong giáo dục mở thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập” do 2 Trường Đại học Mở đồng tổ chức, Bộ trưởng cho rằng đây là diễn đàn để cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm thúc đẩy mạnh mẽ, toàn diện công tác chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo, tạo cơ hội học tập bình đẳng của người dân ở các vùng miền, thúc đẩy học tập suốt đời của xã hội và cá nhân. Đây cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhìn nhận các vấn đề, thực trạng, các yêu cầu từ thực tiễn để làm cơ sở xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp.

Đại biểu dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo “Chuyển đổi số trong giáo dục mở thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập” được tổ chức gồm phiên toàn thể và 2 phiên thảo luận.

Tại phiên toàn thể, đại diện Trường Đại học Mở Hà Nội đã chia sẻ vấn đề về chuyển đổi số thúc đẩy phát triển giáo dục theo hướng mở, góp phần xây dựng xã hội học tập. Trường Đại học Mở TP.Hồ Chí Minh có tham luận về vai trò của các trường đại học mở trong giáo dục mở hiện đại.

Đại diện Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ về vai trò của kỹ năng số trong thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Đại diện Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ về các mô hình giáo dục đại học mới và xu hướng học tập suốt đời.

Sau phiên toàn thể, hội thảo tiến hành 2 phiên thảo luận với nội dung “Các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số trong giáo dục: Thực trạng và giải pháp” và “Các vấn đề liên quan đến tài nguyên giáo dục mở, học liệu mở: Thực trạng và giải pháp”.

Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

Theo https://moet.gov.vn/

Xem thêm
Dữ liệu đang được cập nhật
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 61354

Trực tuyến: 30

Hôm nay: 132